Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Paris 2024: Thất bại được báo trước

Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Paris 2024: Thất bại được báo trước缩略图

Tụt lại so với Đông Nam Á

Lấy cột mốc Olympic Moscow 1980 làm hệ quy chiếu, đoàn thể thao Việt Nam đã có hành trình 44 năm tại thế vận hội. Trải qua 11 lần tham dự, dấu ấn của thể thao Việt Nam tại Olympic rất mờ nhạt với 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ.

Olympic Sydney năm 2000 đánh dấu mốc son đầu tiên của thể thao Việt Nam với tấm HCB của Trần Hiếu Ngân (taekwondo). Từ sau lần ấy ngoài Olympic Athens 2004, chúng ta đều có những tấm huy chương để “hoàn thành chỉ tiêu” tại Thế vận hội: HCB của Hoàng Anh Tuấn (cử tạ, 2008), HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ, 2012) và 1 HCV, 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng, 2016).

Sau thành công của Hoàng Xuân Vinh với sự đầu tư và phát triển dành cho thể thao, cùng với đó là thành tích ngày càng được nâng cao tại đấu trường khu vực, thể thao Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt được những dấu ấn tốt đẹp tại Olympic. Nhưng số 0 tròn trĩnh ở hai kỳ Olympic gần nhất đưa tất cả về một sự thật phũ phàng rằng thể thao Việt Nam vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào khi ra “biển lớn”.

Những điểm sáng mờ nhạt

Công tâm mà nói, thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 vẫn những điểm sáng nhất định. Trịnh Thu Vinh hai lần vào chung kết môn bắn súng, Phạm Thị Huệ cũng vượt lên chính thành tích của bản thân để vào tứ kết rowing. Cung thủ Phạm Thị Ánh Nguyệt cũng đã cải thiện thành tích so với lần dự Olympic trước.

Nhưng những điểm sáng nhỏ ấy không đủ để xua đi bức tranh tổng thể đáng buồn của thể thao Việt Nam tại Olympic. Không có VĐV mũi nhọn đủ để cạnh tranh huy chương, may mắn không thể song hành ở một đấu trường tập hợp những con người giỏi nhất ở bộ môn của họ.

Trịnh Thu Vinh dù có hai lần vào chung kết nhưng vẫn thiếu sự ổn định trong thời điểm quyết định. Đức Phát, Thùy Linh (cầu lông), Ánh Nguyệt, Quốc Phong (bắn cung) dù rất nỗ lực nhưng đều dừng bước trước những đối thủ mạnh hơn ngay vòng ngoài, quá xa so với mục tiêu cạnh tranh huy chương.

Điểm đặc biệt là những đoàn thể thao cùng trong khu vực Đông Nam Á lại có những dấu ấn đáng kể tại Olympic Paris 2024. Tính đến 10h sáng ngày 8/8, Philippines đã có 2 HCV, 2 HCĐ; Thái Lan giành được 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ; Malaysia có 2 HCĐ và Indonesia có 1 HCĐ. Các VĐV của Đông Nam Á không chỉ đặt mục tiêu cọ xát mà họ sẵn sàng tranh chấp huy chương, thậm chí huy chương vàng.

Sự thật phũ phàng

Không ai quá bất ngờ khi Carlos Yulo (TDDC, Philippines) hay Panipak Wongpattanakit (taekwondo, Thái Lan) giành HCV. Những VĐV này đã vô địch thế giới hoặc đã giành HCV tại Olympic nên việc họ mang vàng về không phải câu chuyện gây sốc như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng làm được.

Ngay cả Eko Erawan (Indonesia) dù thất bại ở nội dung thi cử tạ nam hạng cân 61 kg nhưng vẫn mang tâm lý sẵn sàng cạnh tranh huy chương. Khác với Trịnh Xuân Vinh thất bại trong cả 3 lượt cử giật rồi bị loại, Eko Erawan ở phần thi cử giật đạt thành tích 135 kg, chỉ đứng sau người giành HCV Li Fabin (143 kg).

Eko Erawan chỉ cay đắng chấp nhận từ bỏ nỗ lực cạnh tranh huy chương khi dính chấn thương rồi thất bại ở phần thi cử đẩy. Cũng trong nội dung này, một VĐV khác của Đông Nam Á là Theerapong Silachai (Thái Lan) giành HCB.

Những thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 thực ra là câu chuyện đã được dự đoán từ trước. Bởi khi không có VĐV mũi nhọn, đấu trường Olympic không phải nơi may mắn có thể là yếu tố định đoạt nếu thiếu thực lực.

Những vấn đề không mới

Cứ lấy cột mốc năm 2000 khi lần đầu có huy chương ở Olympic, thể thao Việt Nam đã trải qua 12 kỳ SEA Games và chưa lần nào nằm ngoài top 3 trong bảng tổng sắp huy chương. Thậm chí ở hai kỳ gần nhất, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn nhưng thành tích tại SEA Games lại trái ngược hẳn với khi tham dự Olympic hay Asiad.

Với kỳ SEA Games 2021 tổ chức trên sân nhà, đoàn thể thao Việt Nam thể hiện sự thống trị tuyệt đối với 205 HCV, nhiều hơn cả đoàn đứng thứ hai (Thái Lan, 92 HCV) và ba (Indonesia, 69 HCV) cộng lại. SEA Games 2023 cũng chứng kiến thể thao Việt Nam gặt hái 136 HCV, bỏ xa đoàn đứng thứ hai Thái Lan với 108 HCV.

Sự trái ngược ấy chỉ ra một vấn đề không mới ở thể thao Việt Nam là sự đầu tư dàn trải. Đấu trường SEA Games cứ hai năm diễn ra một lần, các bộ môn đều cần được đầu tư để có thể giành huy chương. Nhiều VĐV chỉ có thể kỳ vọng huy chương ở khu vực khi trình độ chưa đủ để cạnh tranh ở châu lục hay thế giới.

Điều đó dẫn tới việc nguồn kinh phí buộc phải trải rộng dẫn tới trang thiết bị, chuyên gia,… đều không hẳn đủ khả năng hỗ trợ các VĐV tiến xa hơn.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao cho rằng may mắn không ngẫu nhiên mà đến: “Những khó khăn đã được dự đoán trước. Việc không có huy chương ở Olympic rất đáng buồn, để vươn tới Olympic cần nhiều yếu tố như đào tạo khoa học, chuyên gia giỏi, khát khao chiến thắng của VĐV,…”.

“Việc giành được huy chương không phải là may mắn, các VĐV phải nỗ lực 100%, thậm chí hơn 100% mới đảm bảo được. May mắn ở đây là sự tập trung không bị phân tán hoặc không bị chấn thương. Thể thao không phải là không làm gì mà có may mắn, tất cả đều cần điều kiện cần và đủ”.

Sau thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao từng cho rằng cần xã hội hóa thể thao mạnh mẽ hơn. Những nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia đều dựa nhiều vào kinh phí từ xã hội hóa để đảm bảo đủ nền tảng để phát triển.

Bà Lê Thị Hoàng Yến cũng chia sẻ thêm rằng các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đều đã phổ cập cầu lông nên nguồn tuyển chọn VĐV rất phong phú. Philippines cũng đã đưa thể dục dụng cụ, bóng rổ vào trường học và đang có bước phát triển rất tốt.

“Về chiều sâu, càng đông học sinh tham gia thì mình càng tuyển chọn được nhiều người có năng khiếu về môn thể thao đó, quy trình tuyển chọn cũng phải khoa học để không bỏ sót tài năng. Sau khi tuyển chọn còn cần đào tạo, huấn luyện với chuyên gia giỏi. Nhưng để có chuyên gia giỏi hẳn phải phụ thuộc vào kinh phí” – bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết.

Bài học cho tương lai

Ngoài sự đầu tư dàn trải, thể thao Việt Nam cũng còn rất nhiều cần cải thiện như cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, chế độ tập huấn, cọ xát. Việc phát triển thể thao học đường cũng cần có kế hoạch bài bản, mạnh mẽ hơn để tăng cường nguồn tuyển chọn VĐV, đảm bảo không bỏ sót những VĐV có tiềm năng.

Đây đều là những vấn đề không mới nhưng lại cản bước thể thao Việt Nam tiến xa tại đấu trường Olympic.