ĐT Nga ở đẳng cấp quá cao so với ĐT Việt Nam
Trước giải đấu giao hữu ở sân Mỹ Đình, có nhiều nghi ngờ về sức mạnh của ĐT Nga khi đại diện châu Âu không được thi đấu giải chính thức nào trong một thời gian vừa qua. Ngay cả khi toàn thắng trong các trận giao hữu gần đây, “hình hài” của ĐTQG Nga vẫn là một dấu hỏi rất lớn. Dù vậy, những gì ĐT Nga thể hiện trong trận đấu tối 5/9 đã đem đến câu trả lời cho tất cả. Thầy trò HLV Valeri Karpin đã cho thấy họ xứng đáng với vị trí thứ 33 trên bảng xếp hạng FIFA. Xét về mặt con người, ĐT Nga ra sân đấu ĐT Việt Nam chưa phải là lực lượng tốt nhất. Những ngôi sao sang Việt Nam lần này như Mostovoy, Safonov đều không góp mặt thi đấu trên sân. Vậy mà những cầu thủ trên sân của ĐT Nga vẫn thể hiện sự vượt trội. Đội bóng đến từ châu Âu không vội vã ép sân nhưng luôn gây khó cho các cầu thủ Việt Nam. Mỗi khi ĐT Nga tăng tốc, các cầu thủ ở hàng hậu vệ ĐT Việt Nam luôn bị đặt trong tình trạng báo động. Ngoài ra, ĐT Nga cũng có sự đa dạng trong cách tổ chức tấn công. Ngoài bàn thắng thứ 2 đến từ sai lầm của Văn Lâm thì 2 bàn còn lại đến từ 2 phong cách phối hợp khác nhau. Bàn mở tỷ số là pha bóng bổng đặc trưng của đội bóng có ưu thế về thể hình trong khi bàn ấn định tỷ số lại là pha bóng phối hợp theo phong cách ”bật đến tận gôn”. Những gì ĐT Nga trình diễn tối 5/9 khiến người hâm mộ nhận ra rằng nếu họ thi đấu hết sức và ở thể trạng tốt nhất, đội bóng này còn có thể thắng ĐT Việt Nam đậm hơn.
Thử nghiệm chưa thành của HLV Kim Sang Sik
Ngoài màn trình diễn ”out trình” của ĐT Nga, một phần nguyên nhân khiến ĐT Việt Nam thua cách biệt ĐT Nga cũng do những thử nghiệm của HLV Kim Sang Sik. Trong một giải đấu mang tính giao hữu, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã mạnh dạn đưa ra những thử nghiệm, đặc biệt ở hàng tiền vệ và hàng tiền đạo. Những cầu thủ còn trẻ tuổi hoặc ít trải nghiệm cấp ĐTQG như Văn Trường, Hai Long đã được trao cơ hội đá chính. Bên cạnh đó, có những thời điểm ông Kim Sang Sik bố trí Hoàng Đức đá cao nhất với mục tiêu tạo ra sức ép ngay lên các hậu vệ ĐT Nga. Bên cạnh đó, HLV của ĐT Việt Nam cũng sẵn sàng thay đổi những vị trí của các cầu thủ đang thi đấu trên sân. Ví dụ điển hình nhất là việc ông Kim có thời điểm đẩy Thành Chung lên đá cao như một tiền vệ phòng ngự. Nhìn chung, những thử nghiệm mà ông Kim tạo ra chưa mang lại kết quả thực sự ấn tượng khi đối thủ ở đẳng cấp cao hơn hẳn. Tuy nhiên không phải vì thế mà không có những tín hiệu tích cực. Những nỗ lực của Vĩ Hào sau khi vào sân trong hiệp 2 hay những tình huống thoát pressing tự tin của Văn Trường trong hiệp 1 là các điểm sáng cần phải nhắc đến của ĐT Việt Nam khi các gương mặt trẻ cần các cuộc đọ sức như thế này để trưởng thành.
Trận đấu đáng quên của Văn Lâm
Ông Kim Sang Sik không ngần ngại chia sẻ trước trận rằng sẽ sử dụng Văn Lâm trong trận đấu với ĐT Nga. Thủ thành sinh năm 1993 cũng tỏ ra rất quyết tâm khi được so tài với đội bóng nơi anh đã lớn lên và bất đầu học bóng đá. Tuy vậy, đây là trận đấu Văn Lâm chơi không tốt. Những điểm được cho là chưa hoàn thiện của thủ thành này từ trước đến nay đều bộc lộ. Ngoài bàn thua đến từ pha bóng sai lầm, Văn Lâm còn không có được những pha chơi chân đủ tốt ở các thời điểm đồng đội chuyền về hay đối thủ gây áp lực. Dù vậy, với một thủ môn đã khẳng định được năng lực trong suốt nhiều giải đấu lớn nhỏ cùng ĐT Việt Nam, Văn Lâm chắc chắn biết mình cần phải làm gì để trở lại mạnh mẽ hơn ở các trận đấu tiếp theo, nhất là khi HLV Kim Sang Sik lúc này còn có thể sử dụng một Filip Nguyễn cũng ở đẳng cấp cao.