Thể thao Việt Nam – sao mãi chỉ “vượt qua chính mình”?

Thể thao Việt Nam – sao mãi chỉ “vượt qua chính mình”?缩略图

“Đỉnh bảng” SEA Games nhưng “Chiếu dưới” Olympic

Trịnh Văn Vinh không một lần nâng tạ thành công ở nội dung cử giật nên không có thành tích, không xếp hạng; Nguyệt Thị Thật về đích thứ 73 trong tổng số 93 cua-rơ tham dự nội dung xe đạp đường trường; Ánh Nguyệt bị loại ngay vòng loại trực tiếp đầu tiên nội dung cá nhân cung 1 dây nữ; Nguyễn Huy Hoàng đứng thứ 28/31 vòng loại 800m tự do nam… Đó là một số kết quả của các thành viên đoàn TTVN tại Olympic Paris 2024. Tất nhiên đó không phải là những kết quả khả quan. Thành tích tốt nhất thuộc về Trịnh Thu Vinh, đứng thứ tư chung kết 10m súng ngắn hơi nữ và thiếu một chút may mắn để cầm trong tay tấm HCĐ, có thể giúp đoàn TTVN hoàn thành mục tiêu tại Thế vận hội lần này. Dự tranh Olympic từ năm 1980, số huy chương mà TTVN giành được vừa vặn số ngón trên 1 bàn tay, với 2 huy chương bắn súng, 2 cử tạ và 1 của taekwondo, cũng là tấm huy chương đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ TVH của võ sỹ Trần Hiếu Ngân, mang về từ Sydney 2002. Huy chương đầu tiên thuộc về 1 VĐV sinh năm 1974, và HCV đầu tiên, trùng hợp cũng của 1 VĐV sinh năm 1974 – xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, với kỳ tích tại Rio 2016 trên đất Brazil. Đến Paris 2024, hy vọng lớn nhất cũng được đặt vào một xạ thủ tên Vinh, cũng ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Chỉ khác, Hoàng Xuân Vinh giành HCV khi đã 42 tuổi, còn Trịnh Thu Vinh mới chỉ 24, và lần đầu dự Olympic. 14 vé chính thức ở 11 môn thể thao cùng 2 suất đặc cách, giúp TTVN vừa đủ hoàn thành chỉ tiêu 13 – 15 suất dự Olympic Paris 2024. Nhưng với chừng đó VĐV, Việt Nam chỉ xếp thứ 89 thế giới, thứ 16 châu Á và thứ 6 Đông Nam Á về số VĐV thi đấu tại Thế vận hội lần này. Tính riêng Đông Nam Á, nơi TTVN khẳng định vị thế số 1 tại SEA Games, chúng ta chỉ hơn Timor Leste, Lào (4), Brunei, Campuchia (3). Myanmar (2); còn lại thì thua xa Thái Lan (51 VĐV), Indonesia (29), Malaysia (26), Philippines (22)… Chỉ tiêu thì cũng rất khiêm tốn là có huy chương, với hy vọng được đặt vào bắn súng và cử tạ… còn lại tuyệt đại đa số VĐV chỉ đặt mục tiêu “vượt qua chính mình”…

“Vượt qua chính mình” hay chờ đợi may mắn

Phải khẳng định, may mắn là một yếu tố không thể thiếu trong thể thao nhưng với thể thao thành tích cao, lại ở đấu trường đỉnh cao nhất như Olympic, thì may mắn là rất hiếm hoi và để giành huy chương, cần đến thực lực. Cách đây 8 năm, khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành tấm HCV đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến lúc này ở đấu trường Thế vận hội cho TTVN không hề có chút bóng dáng của may mắn. Anh tới Brazil với kinh nghiệm từng dự tranh Olympic London 2012, từng vô địch châu Á nội dung 10m súng ngắn hơi nam, từng là số 1 trên BXH thế giới ở nội dung nay, từng giành vô số HCV SEA Games và tất nhiên là rất nhiều kinh nghiệm từ những thất bại, như tại ASIAD Quảng Châu 2010. Tất cả những điều đó tạo nên 1 Hoàng Xuân Vinh “lì lợm” đến phát bắn cuối cùng ở phần thi chung kết với VĐV chủ nhà. Tại Olympic Paris 2024, các quốc gia Đông Nam Á có 3 HCV (tính đến ngày 8/8 – ngày thi đấu cuối cùng của đoàn TTVN). Và các VĐV đó cũng không đến Pháp mùa hè này với những bàn tay trắng. Carlos Yulo giành cú đúp HCV TDDC cho Philippines, nhưng trước đó, anh đã có 2 lần VĐTG, 10 HCV châu Á, 9 HCV SEA Games. Panipak Wongpattanakit – HCV taekwondo hạng 49kg nữ cũng là nhà ĐKVĐ của Olympic Tokyo 2020, cùng 2 lần VĐTG, 2 HCV ASIAD, 2 lần vô địch châu Á. Liệt kê ra để thấy, tất cả đều có nền tảng là thành tích đẳng cấp cao, không có chút may mắn nào trên hành trình tới HCV Olympic. Nhìn lại các VĐV Việt Nam, được coi là thành công chỉ có Trịnh Thu Vinh – vẫn được coi là 1 ngôi sao mới lên ở môn bắn súng, Nguyễn Thùy Linh – suýt vượt qua vòng bảng cầu lông đơn nữ và Hà Thị Linh được ghi nhận là mang về trận thắng đầu tiên của boxing nữ tại Olympic. Trong khi dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế như Nguyễn Huy Hoàng, tại vòng loại 800m tự do, kém tới 18 giây 95, so với thông số đạt chuẩn A Olympic 2024 của anh là 7 phút 51 giây 44 – thành tích giành HCĐ ASIAD 19 ở Trung Quốc tháng 10/2023; và kém tới 20 giây 19 so với thành tích cá nhân tốt nhất lập tại Olympic trẻ 2018.

Trong nhiều “bó đũa” vẫn không thể chọn được “cột cờ”

Vị thế của TTVN tại SEA Games là không phải bàn cãi, luôn nằm trong top 3 ở bảng tổng sắp, nhưng chúng ta thụt lùi dần khi ra đấu trường ASIAD và đặc biệt là Olympic. Không nhiều kinh phí đầu tư, thiếu cơ sở vật chất, khó khăn đào tạo từ VĐV trẻ… là hàng loạt lý do có thể được kể ra, nhưng rõ nhất là chúng ta đã thiếu mà lại đầu tư dàn trải. Các môn võ vật, bắn súng, điền kinh, thể dục… vẫn được liệt kê là thế mạnh, nhưng chỉ khi đấu ở Đông Nam Á, còn ra châu lục và thế giới, không cần phải người làm chuyên môn để thấy được khoảng cách. Các quốc gia Đông Nam Á có thành tích Olympic như Indonesia, Philippines và đặc biệt Thái Lan cho thấy một tầm nhìn khác biệt, tập trung đầu tư cho môn thế mạnh và truyền thống. Số liệu thống kê cho thấy, Thái Lan có 36 huy chương (trong đó có 10 HCV) Olympic thì 29 thuộc về cử tạ và boxing. Cầu lông và cử tạ mang về 37/38 huy chương cho Indonesia. 11/15 huy chương của Malaysia là ở môn cầu lông. Singapore có 3/5 huy chương Olympic là ở bóng bàn còn với Philippines là 10 huy chương của môn boxing. TTVN có môn gì? Các nhà quản lý từ lâu đã chỉ ra rằng: TTVN không thể có “cửa” cạnh tranh ở môn tập thể. Các môn cá nhân thì không thể đua tranh về khỏe (như võ vật), nhanh mạnh (điền kinh như chạy, nhảy… hay bơi, đua thuyền), cũng không thể đua bền (như đi bộ, chạy marathon). Các môn khác như nhảy cầu, bơi nghệ thuật, thì VĐV trong nước tìm còn khó, chưa nói đào tạo đi thi đỉnh cao. Vậy là chỉ còn những môn không đặt nặng thể hình, thể lực như… bắn súng. Éo le là môn này lại khó phát triển chiều rộng, do đầu tư cao về kinh phí tập luyện, trường bắn… và chịu quản lý chặt chẽ do liên quan đến súng đạn, mà câu chuyện tuyển thủ quốc gia còn phải tập chay, nghe nhiều năm cũng đã quen.

Tám năm hay lâu hơn nữa ?

Sau đỉnh cao tại Rio 2016, TTVN trải qua 8 năm trắng tay sau hai kỳ Olympic Tokyo 2020 và Paris 2024. Mà với tình hình hiện tại, thêm 4 năm nữa, ở Los Angeles 2028, khó ai tin tưởng chúng ta lại giành huy chương. Những nhà quản lý vẫn loay hoay giải bài toán đầu tư trọng điểm nhưng vẫn phải có thành tích tại SEA Games còn các tuyển thủ trước ngày lên đường, ở Thế vận hội 4 năm nữa, có thể vẫn là mục tiêu “vượt qua chính mình” thay vì khẳng định sẽ “giành huy chương”. Các VĐV đổ nhiều công sức trong tập luyện và hành trình hàng năm trời thi đấu tích điểm để có suất dự TVH. Nhưng trải nghiệm của họ với đấu trường đỉnh cao thế giới, vỏn vẹn chỉ là những buổi tập và 1-2 cuộc thi đấu vòng loại. Các VĐV không có lỗi, bởi họ đã thực sự nỗ lực, nhưng khi chúng ta tiến 1 mà đối thủ tiến bộ 2-3, thì phải xem xét trách nhiệm của những người đề ra chủ trương và triển khai thực hiện đường lối phát triển của TTVN. 4 năm mới có 1 kỳ Olympic, để chuẩn bị có thể mất một thập kỷ. Chúng ta đã trắng tay 8 năm – từng đó đã là đủ thời gian cho những cuộc họp rút kinh nghiệm sau những kỳ đại hội thể thao quốc tế thất bại? Thể thao chuyên nghiệp phải có thành tích và những tuyển thủ TTVN phải được đầu tư để vượt qua các đối thủ, chứ không chỉ vượt qua chính họ.